no comments

Tết là gì mẹ ơi

Tết Nguyên Đán là dịp Tết cổ truyền của dân tộc với rất nhiều phong tục, tập quán độc đáo. Các bậc cha mẹ, dù có bận rộn chuẩn bị Tết cũng đừng quên giải thích cho trẻ hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của các phong tục ngày Tết, bởi đây là những nét văn hóa cần được gìn giữ.

Các bạn cần chọn lựa cách giảng giải dễ hiểu, dùng từ ngữ hay cách so sánh, miêu tả để trẻ hiểu và nhận thức được những cái hay, cái đẹp từ các phong tục, qua đó giúp trẻ mở rộng kiến thức đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Dưới đây là một vài gợi ý nhỏ:

1. Tục đưa Ông Táo

Từ ngàn xưa, ông bà ta đã tin rằng, ngày 23 tháng Chạp hàng năm (Âm lịch) là Táo Quân lại cưỡi cá chép về trời, trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình năm qua với Ngọc Hoàng. Và kể từ ngày này thì mới được gọi là Tết. Táo Quân là vị thần trong coi việc bếp núc trong gia đình nên biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu và báo lại với Ngọc Hoàng. Những ai có lòng tốt sẽ được khen thưởng, những ai làm chuyện xấu sẽ bị xử tội. Cũng chính vì Táo Quân là người bẩm báo lại với Ngọc Hoàng nên trước khi đưa ông Táo về trời người ta thường bày một mâm cỗ đa phần là đồ ngọt như bánh, kẹo, chè, thèo lèo,… để mong ông Táo nói những điều ngọt ngào nhất. Bên cạnh đó, trong mâm cỗ còn có một ít giấy tiền vàng mã xem như là lệ phí, cá chép hoặc giấy cò bay ngựa chạy để làm phương tiện đưa ông Táo về trời. Cho đến đêm giao thừa, Táo Quân cùng các vị thần mới quay lại trần gian.

 

2. Tục đón Giao thừa

Hàng năm, Thượng Đế lại cử một vị thần xuống cai quản mặt đất. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng chính là lúc vị thần cũ kết thúc nhiệm vụ và bàn giao công việc lại cho vị thần mới. Những lúc ấy, người ta thường bày một mâm cỗ bao gồm hoa, đèn, trà và ngũ quả. Tùy theo phong tục và đặc trưng của từng vùng miền, ngũ quả có thể thay đổi, nhưng phần lớn không thể thiếu: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, dưa hấu… Theo cách phát âm trại của người miền Nam, ngũ quả này có ý nghĩa Cầu Vừa Đủ Xài Dư, với ước muốn cầu cho năm mới được bình yên, may mắn và sung túc.

Vì thời khắc giao thừa rất mong manh và vì thời gian các vị thần gặp nhau để bàn giao công việc không được nhiều nên mâm giao thừa thường được bày trước sân và ở ngoài trời để các vị thần có thể chứng giám lòng thành. Chính vì thế mâm giao thừa phải được chuẩn bị thật chu đáo, không được thiết sót để tránh những điều không may mắn. Đây là phong tục bày tỏ lòng biết ơn của con người đối với đất trời thiên nhiên.

3. Tục lì xì đầu năm

Lì xì đầu năm là phong tục người lớn cho một khoản tiền nhỏ vào trong một phong bì màu đỏ, dành tặng trẻ con vào ngày đầu tiên của năm mới, với mong muốn đứa trẻ sẽ chăm ngoan, mau lớn. Phong tục này bắt nguồn từ một truyền thuyết ở Trung Quốc: Ngày xưa, vào đêm giao thừa thường có một con yêu quái xuất hiện và thích xoa đầu trẻ con. Những trẻ nào bị nó xoa đầu đều bị đau đầu, sốt cao.

Một năm nọ, có 8 vị tiên xuống trần du xuân, khi đi ngang qua một ngôi nhà nọ, nghe tiếng trẻ con khóc, biết đứa trẻ sắp gặp tai họa, 8 vị tiên bèn hóa thành 8 đồng tiền vàng óng ánh nằm cạnh đứa bé. Thế là đứa bé ngưng khóc và ngủ ngoan. Cha mẹ đứa bé bèn lấy 8 đồng tiền gói vào một tờ giấy đỏ, để bên dưới gối đứa trẻ và đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa bé, bỗng những đồng tiền bên trong tờ giấy đỏ sang lóe lên. Con yêu quái hoảng sợ bỏ chạy và từ đó không dám quay về nữa. phong tục lì xì đầu năm được tương truyền từ đó.

Ngày nay, bao lì xì đỏ thắm còn chứa đựng cả tấm lòng, tình yêu và ước muốn như một món quà trừ tai họa mà người lớn muốn dành cho con trẻ. Đáp lại phong bao lì xì này là những lời chúc thọ, chúc Tết. Người xưa quan niệm, năm mới là thêm tuổi mới, bất kể sinh vào ngày nào, tháng nào. Chính vì vậy, con trẻ thường chúc ông bà, cha mẹ sống lâu tram tuổi, sức khỏe dồi dào. Đây cũng là dịp con trẻ bày tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và những người xung quanh.

4.Tục xuất hành và hái lộc

Người ta cho rằng, sau giao thừa, tinh hoa của đất trời sẽ hội tụ, các vị thần sẽ du xuân khắp các nẻo đường, ban nhiều tài lộc. Chính vì thế, sau khi làm xong nghi lễ giao thừa mọi người thường xuất hành đầu năm và đi hái lộc. Xuất hành trong ngày đầu năm với mong muốn sẽ tìm được những điều may mắn cho mình và cho gia đình.

Người ta rất kỹ lưỡng trong việc chọn lựa ngày giờ và phương hướng xuất hành để mong gặp được các vị thần. Trên đường đi, người ta thường hái một cành cây nhỏ của những loài cây quanh năm tươi tốt mang về nhà gọi là hái lộc. Tục hái lộc thường được diễn ra tại các đền chùa với ngụ ý xin hưởng được phước lộc của trời phật, cho năm mới được nhiều may mắn.

5.Tục xông đất

Tục ngữ có câu “đầu xuôi, đuôi lọt” hay “Cha mẹ không giống, giống người mở hàng”, chính vì vậy, người khách đầu tiên đặt chân vào nhà trong năm mới là rất quan trọng. Người ta thường thích những người vui vẻ, cởi mở và hợp tuổi với chủ nhà để vào nhà xông đất. Người này sẽ mang lại sự may mắn, suôn sẻ, thuận lọi cho cả gia đình trong năm mới.

Bởi thế ông bà ta thường có tục xem tuổi, chọn người và mời người đó đến xông đất, xông nhà. Và cũng chính vì thế mà cha mẹ thường kiêng cữ và cấm con trẻ tự tiện vào nhà người khác ngày đầu năm. Trong những ngày Tết, đặc biệt là ngày mùng 1 Tết, cần tránh những điều không hay, không vui cho mình và cho người khác để mọi người đều có một năm mới thật may mắn và thuận lợi.

6. Kiêng quét nhà trong ba ngày Tết

Ba ngày Tết là thời gian mà các vị thần xuống trần du xuân. Ai nấy cũng đều muốn rước các vị thần vào nhà với mong muốn sẽ được ban lộc trong năm mới. Người ta tin rằng, việc quét nhà như một hành động xua đuổi các vị thần, xua đuổi sự may mắn, đặc biệt là xua đuổi ông Thần Tài. Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc, tài chính nơi thiên đình, mang đến sự may mắn, thịnh vượng.

Đuổi ông Thần Tài sẽ khiến cho cả gia đình gặp nhiều khó khăn, túng thiếu. Vì thế, công việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa phải được chuẩn bị từ trước. Ngày 30 Tết, dù có  bận rộn đến đâu, người ta cũng tranh thủ chỉnh chu lại nhà cửa một lần nữa để kiêng không được quét nhà trong ba ngày Tết.

Reply